Công ty TNHH vật liệu xây dựng Saint-Gobain Việt Nam (gọi tắt là công ty Saint-Gobain Việt Nam) -- công ty con của tập đoàn Saint-Gobain, trụ sở chính tại Pháp -- vừa bị một số doanh nghiệp Việt Nam khởi kiện. Doanh nghiệp tư nhân Huy An -- một trong số ít các nhà phân phối lớn các sản phẩm thạch cao với thương hiệu Gyproc tại Việt Nam cho đến giữa năm 2014 -- nộp đơn kiện Saint-Gobain Việt Nam lên tòa án nhân dân huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 12 năm 2014. Đến tháng 12 năm 2015, công ty TNHH Tông Hy -- cũng là một trong số ít các nhà phân phối được Saint-Gobain Việt Nam chọn lọc trong việc phân phối các sản phẩm thạch cao thương hiệu Gyproc tại Việt Nam cho đến quý 1 năm 2015 -- cũng đã nộp đơn kiện chống lại Saint-Gobain Việt Nam. Đã có một số cuộc dàn xếp hòa giải giữa Huy An và Saint-Gobain Việt Nam nhưng không đem lại kết quả tốt đẹp. Phán quyết sơ thẩm mới đây của tòa án nhân dân huyện Nhà Bè có vẻ không thuận lợi cho Huy An. Vì vậy Huy An đã lập tức nộp đơn kháng cáo lên cấp cao hơn -- tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Đây hiển nhiên là tín hiệu không hề dễ chịu với công ty Saint-Gobain Việt Nam vì đa số các bạn hàng lâu năm và tận tụy trong quá khứ bây giờ quay lại đối đầu với họ.
Cho đến giữa năm 2015 công ty Saint-Gobain Việt Nam giới hạn số lượng các nhà phân phối các sản phẩm thạch cao thương hiệu Gyproc tại Việt Nam ở con số 4 - 5. Có thể kể đến: (1) Công ty cổ phần công nghiệp Vĩnh Tường (gọi tắt là công ty CPCN Vĩnh Tường); (2) Công ty TNHH Thanh Bình; (3) Công ty TNHH Tông Hy; và (4) Doanh nghiệp tư nhân Huy An. Trong số đó, công ty CPCN Vĩnh Tường luôn là nhà phân phối được công ty Saint-Gobain Việt Nam ưu ái nhất nhờ một thỏa thuận đặc biệt bắt đầu từ khoảng cuối năm 2007 / đầu năm 2008.
Công ty cổ phần đại chúng Thai Gypsum bắt đầu sản xuất đại trà các loại tấm thạch cao công nghiệp (tấm thạch cao có bao giấy) từ cuối thập niên 1960 tại vương quốc Thái Lan. Sản phẩm của công ty Thai Gypsum trở nên phổ biến và được ưa chuộng tại thị trường vật liệu xây dựng Việt Nam từ đầu thập niên 1990 nhờ đơn vị nhập khẩu tiên phong là Doanh nghiệp tư nhân Huy An. Cuối năm 1999 tập đoàn BPB gốc Anh -- nhà sản xuất tấm thạch cao công nghiệp thương hiệu Gyproc có sản lượng gộp lớn nhất thế giới -- đã nắm quyền kiểm soát công ty Thai Gypsum. Cuối năm 2005, tập đoàn Saint-Gobain gốc Pháp mua lại toàn bộ tập đoàn BPB, trở thành chủ sở hữu thương hiệu Gyproc. Cuối năm 2007, tập đoàn Saint-Gobain thâm nhập mạnh thị trường Việt Nam bằng cách mua lại 100% nhà máy sản xuất tấm thạch cao công nghiệp tại khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh từ công ty CPCN Vĩnh Tường. Từ đầu năm 2008 đến cuối năm 2014 -- thông qua công ty con là BPB Placo SAS, trụ sở tại Pháp -- tập đoàn Saint-Gobain sở hữu khoảng 15% tổng số cổ phiếu của công ty CPCN Vĩnh Tường. Đầu năm 2015 tập đoàn Saint-Gobain tăng vốn sở hữu tại công ty CPCN Vĩnh Tường lên mức 57%, qua đó thực sự nắm quyền kiểm soát nhà phân phối lớn nhất tại Việt Nam về các tấm thạch cao công nghiệp và khung xương thép cho hệ thống vách ngăn và trần thạch cao.
Qua các năm hoạt động công ty Saint-Gobain Việt Nam duy trì khoảng 50% thị phần các loại tấm thạch cao công nghiệp tiêu thụ tại Việt Nam. Đối thủ lớn nhất của họ tại Việt Nam là liên doanh 100% vốn nước ngoài Lafarge Boral Gypsum in Vietnam (năm 2007 - 2011), sau đó đổi tên thành Boral Gypsum Vietnam (năm 2012 - 2013), rồi tiếp tục đổi tên thành USG Boral Gypsum Vietnam (năm 2014 - nay). Đến cuối năm 2015, thị phần các loại tấm thạch cao công nghiệp tại Việt Nam được ước tính như sau: công ty TNHH USG Boral Gypsum Vietnam (50 - 55%), công ty TNHH Saint-Gobain Vietnam (40 - 45%), và công ty TNHH Knauf Gypsum Vietnam (dưới 5%).
Bạn thường nghe nói hệ tường và trần nội thất ốp tấm thạch cao có khả năng cách âm tốt (sóng âm khi chạm vào bề mặt tường hay trần sẽ bị phản xạ). Và bây giờ bạn lại được giới thiệu hệ tường và trần nội thất ốp tấm thạch cao có khả năng tiêu âm tốt (sóng âm khi chạm vào bề mặt tường hay trần sẽ được hấp thụ một phần năng lượng). Thoạt nghe có vẻ nghịch lý vì thường vật liệu nào có khả năng cách âm tốt sẽ có khả năng tiêu âm kém và ngược lại. Như vậy bí quyết ở đâu để tấm thạch cao khi thì đem lại khả năng cách âm tốt, khi thì đem lại khả năng tiêu âm tốt cho một hệ thống tường hay trần?
Các hệ tường trần cách âm tốt thường được ốp hai hay nhiều lớp tấm thạch cao có bề mặt trơn nhẵn (có thể là tấm thạch cao lõi tiêu chuẩn, tấm thạch cao chịu lửa, tấm thạch cao chịu ẩm, hay tấm thạch cao chịu va đập). Còn các hệ tường trần tiêu âm tốt được ốp tấm thạch cao đặc biệt có rất nhiều lỗ đục suốt trên bề mặt (lỗ có thể hình tròn, hình vuông, rãnh chữ nhật, hay đa giác). Tùy thuộc vào hình dạng lỗ, kích thước lỗ, cách bố trí lỗ trên bề mặt tấm thạch cao, màng tiêu âm chuyên dụng dán ở mặt sau tấm thạch cao đục lỗ, và chiều dày khoảng không khí phía sau tấm thạch cao đục lỗ mà mỗi hệ tường hay trần ốp tấm thạch cao đục lỗ suốt sẽ có hệ số tiêu âm bình quân khác nhau. Theo lý thuyết, hệ số tiêu âm bình quân NRC (Noise Reduction Coefficient - tiêu chuẩn Mỹ ASTM C473) hay aw (Weighted Sound Absorption Coefficient - tiêu chuẩn châu Âu EN ISO 11654) có các giá trị từ 0,0 (bề mặt được thử nghiệm sẽ phản xạ toàn phần sóng âm) đến 1,0 (bề mặt được thử nghiệm sẽ hấp thụ hoàn toàn năng lượng sóng âm). Hệ tường trần thạch cao ốp tấm thạch cao đục lỗ suốt nào có hệ số tiêu âm bình quân càng cao thì có khả năng tiêu âm càng tốt.
Cho đến nay, tại Việt Nam, chỉ một số rất ít công trình xây dựng sử dụng hệ tường trần thạch cao tiêu âm ốp tấm thạch cao đục lỗ suốt như Phòng thu thanh của Đài Truyền Hình thành phố Hồ Chí Minh, Nhà hát Bến Thành thành phố Hồ Chí Minh. Vì vậy, các kiến trúc sư, nhà thiết kế nội thất và nhà thầu xây dựng Việt Nam rất ít khi thấy tận mắt các hệ tường trần đặc biệt này. Tuy nhiên, điều kỳ diệu đáng yêu vừa xảy ra! Hãy ghé thăm showroom công ty TÔNG HY để tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đặc sắc của hệ tường trần thạch cao tiêu âm ốp tấm thạch cao Gyptone (tấm thạch cao 4 cạnh vát, đục lỗ suốt, mặt sau có màng vải tiêu âm, của tập đoàn SAINT-GOBAIN gốc Pháp) và gặp gỡ chuyên gia của công ty để cùng thảo luận về các giải pháp cách âm, tiêu âm trong xây dựng.
Bạn là chủ đầu tư, nhà tư vấn thiết kế hay nhà thầu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình? Nếu đúng vậy, có lẽ bạn cần biết một vài thông tin sau đây liên quan đến các nhà sản xuất tấm thạch cao công nghiệp (wallboard, gypsum board, plasterboard) tầm cỡ thế giới, số liệu ghi nhận vào năm 2009.
1) SAINT-GOBAIN (tập đoàn đa ngành, đa quốc gia, gốc Pháp): năng lực sản xuất 1450 triệu m2 = 15,85% năng lực sản xuất của toàn cầu, có các nhà máy sản xuất tấm thạch cao tại Bắc & Nam Mỹ, châu Âu, châu Phi, châu Á.
Năm 2005, tập đoàn SAINT-GOBAIN mua lại toàn bộ tập đoàn BPB gốc Anh (chuyên về các sản phẩm có nguồn gốc từ thạch cao) và từ thời điểm đó trở thành nhà sản xuất tấm thạch cao lớn nhất thế giới. Thương hiệu GYPROC (từ ghép của Gypsum & Rock) đồng nghĩa với chất lượng và uy tín hàng đầu thế giới.
2) KNAUF (tập đoàn chuyên ngành thạch cao, xuyên quốc gia, gốc Đức): năng lực sản xuất 1200 triệu m2 = 13,11% năng lực sản xuất của toàn cầu, có các nhà máy sản xuất tấm thạch cao tại Nam Mỹ, châu Âu, châu Phi, châu Á. Khởi thủy vào năm 1932 tại Đức, cho đến nay KNAUF vẫn là tập đoàn gia đình.
3) USG (tập đoàn chuyên ngành thạch cao, Mỹ): năng lực sản xuất 1125 triệu m2 = 12,30% năng lực sản xuất của toàn cầu, có các nhà máy sản xuất tấm thạch cao chủ yếu tại Bắc Mỹ (Mỹ, Canada, Mexico). SHEETROCK là thương hiệu thạch cao số một tại Bắc Mỹ. Thành lập năm 1902, USG là tập đoàn thạch cao lâu đời nhất thế giới.
4) LAFARGE (tập đoàn đa ngành, đa quốc gia, gốc Pháp): năng lực sản xuất 1035 triệu m2 = 11,31% năng lực sản xuất của toàn cầu, có các nhà máy sản xuất tấm thạch cao tại Bắc & Nam Mỹ, châu Âu, châu Phi, châu Đại Dương.
5) NATIONAL Gypsum (tập đoàn chuyên ngành thạch cao, Mỹ): năng lực sản xuất 780 triệu m2 = 8,52% năng lực sản xuất của toàn cầu, có các nhà máy sản xuất tấm thạch cao chủ yếu tại Bắc Mỹ. Thành lập từ năm 1925 với thương hiệu GOLDBOND rất nổi tiếng tại Mỹ.
6) GEORGIA-PACIFIC Gypsum (thuộc tập đoàn đa ngành GEORGIA-PACIFIC, Mỹ): năng lực sản xuất 540 triệu m2 = 5,90% năng lực sản xuất của toàn cầu, có các nhà máy sản xuất tấm thạch cao chủ yếu tại Bắc Mỹ.
7) YOSHINO Gypsum (tập đoàn chuyên ngành thạch cao, Nhật): năng lực sản xuất 520 triệu m2 = 5,68% năng lực sản xuất của toàn cầu, chỉ có các nhà máy sản xuất tấm thạch cao tại Nhật. Rất nổi tiếng tại Nhật với thương hiệu TIGER.
8) BNBM (tập đoàn đa ngành thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc): năng lực sản xuất 480 triệu m2 = 5,25% năng lực sản xuất của toàn cầu, có các nhà máy sản xuất tấm thạch cao chủ yếu tại Trung Quốc.
9) LAFARGE BORAL Gypsum in Asia (liên doanh giữa tập đoàn LAFARGE gốc Pháp và tập đoàn BORAL gốc Úc): năng lực sản xuất 370 triệu m2 = 4,04% năng lực sản xuất của toàn cầu, chỉ có các nhà máy sản xuất tấm thạch cao tại châu Á.
10) AMERICAN Gypsum (thuộc EAGLE Materials, Mỹ): năng lực sản xuất 320 triệu m2 = 3,50% năng lực sản xuất của toàn cầu, chỉ có các nhà máy sản xuất tấm thạch cao tại Mỹ.
11) Các nhà sản xuất còn lại trên thế giới: với tổng năng lực sản xuất 1330 triệu m2 = 14,54% năng lực sản xuất của toàn cầu.
Tại Việt Nam, từ 2007 đã có sự hiện diện chính thức của nhà sản xuất tấm thạch cao số 1 thế giới là SAINT-GOBAIN với thương hiệu GYPROC (thông qua công ty con SAINT-GOBAIN Construction Products Vietnam) và nhà sản xuất tấm thạch cao số 9 thế giới là LAFARGE BORAL Gypsum in Asia với thương hiệu LAGYP (thông qua công ty con LAFARGE BORAL Gypsum in Vietnam).
Với ưu thế giá thành rẻ, trong vài năm gần đây, tấm thạch cao sản xuất tại Trung Quốc được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam và Hoa Kỳ. Vì sao từ đầu năm 2009 đến nay, dư luận Hoa Kỳ có nhận xét không tốt với tấm thạch cao nguồn gốc từ Trung Quốc ?
Hãy xem trang web www.chinesedrywall.com để biết thông tin chi tiết về hệ tường ngăn và trần trong nhà (drywall partitions & ceilings) ốp tấm thạch cao nhiễm độc ảnh hưởng xấu thế nào đến hệ thống điện, điều hòa cũng như sức khỏe con người tại một số hộ gia đình tại Hoa Kỳ.
Công bố của giới chức có thẩm quyền tiểu bang Florida cho thấy lõi các tấm thạch cao nhiễm độc này (được sản xuất và nhập khẩu từ Trung Quốc) có thành phần lưu huỳnh và kim loại strontium đặc biệt cao.
Ngày 08/04/2010, tòa án khu vực Đông tiểu bang Louisiana tuyên phạt công ty TAISHAN Gypsum (công ty thạch cao TAISHAN, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc) tổng số tiền 2,61 triệu USD. Số tiền này được dùng để đền bù cho 7 hộ gia đình cư ngụ tại tiểu bang Virginia. Được biết tường ngăn và trần nhà của các hộ gia đình này đều được ốp tấm thạch cao nhiễm độc do TAISHAN Gypsum sản xuất và xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Cũng với lý do tương tự, ngày 27/04/2010, tòa án khu vực Đông tiểu bang Louisiana tuyên phạt công ty KNAUF Plasterboard Tianjin (công ty tấm thạch cao KNAUF Thiên Tân, là công ty con của tập đoàn KNAUF gốc Đức) tổng số tiền 164 ngàn USD. Số tiền này được dùng để đền bù cho gia đình Hernandez cư ngụ tại tiểu bang Virginia.
Từ hàng chục năm qua, các nhà thầu thi công xây dựng tại Việt Nam thường xuyên nhức đầu với sự cố nứt mối nối tường trần thạch cao chỉ một thời gian ngắn sau khi đưa công trình vào sử dụng. Có rất nhiều nguyên nhân đưa đến hiện tượng này, một trong những nguyên nhân chính là nhà thầu thi công sử dụng bột trét tường (bột bả, bột mát-tít) gốc đá vôi để xử lý mối nối. Đây là một sai lầm cơ bản vì bột trét tường chỉ được pha chế và sản xuất cho mục đích làm láng bề mặt tường trần gạch xây hay bê-tông.
Với các tính năng vượt trội như độ dẻo tốt, độ co ngót thấp, độ bền chống nứt cao, thời gian làm việc 20 phút / 30 phút / 45 phút / 60 phút / 90 phút, bột xử lý mối nối chuyên dùng gốc thạch cao GYRO UB400 đáp ứng tiêu chuẩn Mỹ ASTM C475, có lẽ là liều thuốc hiệu nghiệm cho vấn nạn trên.
Ngoài ra, công ty TÔNG HY còn có bột chuyên dùng gốc thạch cao GYRO Cornice Adhesive với thời gian làm việc 20 phút hay 30 phút, được đặc chế để dán chỉ (phào) thạch cao vào góc tường trần, dán bông trần thạch cao vào trần bê-tông hay thạch cao, dán trực tiếp tấm thạch cao lên bề mặt tường gạch xây. Cũng có thể dùng bột GYRO Cornice Adhesive cho công đoạn xử lý mối nối, tuy nhiên người thợ thi công cần được đào tạo bài bản theo đúng quy trình thi công nghiêm ngặt của các quốc gia tiên tiến như Hoa Kỳ, Tây Âu, Úc, New Zealand.