Công ty Saint-Gobain Việt Nam bị kiện |
![]() |
![]() |
Tác giả: Administrator | |
26/02/2016 | |
![]()
Công ty TNHH vật liệu xây dựng Saint-Gobain Việt Nam (gọi tắt là công ty Saint-Gobain Việt Nam) -- công ty con của tập đoàn Saint-Gobain, trụ sở chính tại Pháp -- vừa bị một số doanh nghiệp Việt Nam khởi kiện. Doanh nghiệp tư nhân Huy An -- một trong số ít các nhà phân phối lớn các sản phẩm thạch cao với thương hiệu Gyproc tại Việt Nam cho đến giữa năm 2014 -- nộp đơn kiện Saint-Gobain Việt Nam lên tòa án nhân dân huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 12 năm 2014. Đến tháng 12 năm 2015, công ty TNHH Tông Hy -- cũng là một trong số ít các nhà phân phối được Saint-Gobain Việt Nam chọn lọc trong việc phân phối các sản phẩm thạch cao thương hiệu Gyproc tại Việt Nam cho đến quý 1 năm 2015 -- cũng đã nộp đơn kiện chống lại Saint-Gobain Việt Nam. Đã có một số cuộc dàn xếp hòa giải giữa Huy An và Saint-Gobain Việt Nam nhưng không đem lại kết quả tốt đẹp. Phán quyết sơ thẩm mới đây của tòa án nhân dân huyện Nhà Bè có vẻ không thuận lợi cho Huy An. Vì vậy Huy An đã lập tức nộp đơn kháng cáo lên cấp cao hơn -- tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Đây hiển nhiên là tín hiệu không hề dễ chịu với công ty Saint-Gobain Việt Nam vì đa số các bạn hàng lâu năm và tận tụy trong quá khứ bây giờ quay lại đối đầu với họ.
Cho đến giữa năm 2015 công ty Saint-Gobain Việt Nam giới hạn số lượng các nhà phân phối các sản phẩm thạch cao thương hiệu Gyproc tại Việt Nam ở con số 4 - 5. Có thể kể đến: (1) Công ty cổ phần công nghiệp Vĩnh Tường (gọi tắt là công ty CPCN Vĩnh Tường); (2) Công ty TNHH Thanh Bình; (3) Công ty TNHH Tông Hy; và (4) Doanh nghiệp tư nhân Huy An. Trong số đó, công ty CPCN Vĩnh Tường luôn là nhà phân phối được công ty Saint-Gobain Việt Nam ưu ái nhất nhờ một thỏa thuận đặc biệt bắt đầu từ khoảng cuối năm 2007 / đầu năm 2008.
Công ty cổ phần đại chúng Thai Gypsum bắt đầu sản xuất đại trà các loại tấm thạch cao công nghiệp (tấm thạch cao có bao giấy) từ cuối thập niên 1960 tại vương quốc Thái Lan. Sản phẩm của công ty Thai Gypsum trở nên phổ biến và được ưa chuộng tại thị trường vật liệu xây dựng Việt Nam từ đầu thập niên 1990 nhờ đơn vị nhập khẩu tiên phong là Doanh nghiệp tư nhân Huy An. Cuối năm 1999 tập đoàn BPB gốc Anh -- nhà sản xuất tấm thạch cao công nghiệp thương hiệu Gyproc có sản lượng gộp lớn nhất thế giới -- đã nắm quyền kiểm soát công ty Thai Gypsum. Cuối năm 2005, tập đoàn Saint-Gobain gốc Pháp mua lại toàn bộ tập đoàn BPB, trở thành chủ sở hữu thương hiệu Gyproc. Cuối năm 2007, tập đoàn Saint-Gobain thâm nhập mạnh thị trường Việt Nam bằng cách mua lại 100% nhà máy sản xuất tấm thạch cao công nghiệp tại khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh từ công ty CPCN Vĩnh Tường. Từ đầu năm 2008 đến cuối năm 2014 -- thông qua công ty con là BPB Placo SAS, trụ sở tại Pháp -- tập đoàn Saint-Gobain sở hữu khoảng 15% tổng số cổ phiếu của công ty CPCN Vĩnh Tường. Đầu năm 2015 tập đoàn Saint-Gobain tăng vốn sở hữu tại công ty CPCN Vĩnh Tường lên mức 57%, qua đó thực sự nắm quyền kiểm soát nhà phân phối lớn nhất tại Việt Nam về các tấm thạch cao công nghiệp và khung xương thép cho hệ thống vách ngăn và trần thạch cao.
Qua các năm hoạt động công ty Saint-Gobain Việt Nam duy trì khoảng 50% thị phần các loại tấm thạch cao công nghiệp tiêu thụ tại Việt Nam. Đối thủ lớn nhất của họ tại Việt Nam là liên doanh 100% vốn nước ngoài Lafarge Boral Gypsum in Vietnam (năm 2007 - 2011), sau đó đổi tên thành Boral Gypsum Vietnam (năm 2012 - 2013), rồi tiếp tục đổi tên thành USG Boral Gypsum Vietnam (năm 2014 - nay). Đến cuối năm 2015, thị phần các loại tấm thạch cao công nghiệp tại Việt Nam được ước tính như sau: công ty TNHH USG Boral Gypsum Vietnam (50 - 55%), công ty TNHH Saint-Gobain Vietnam (40 - 45%), và công ty TNHH Knauf Gypsum Vietnam (dưới 5%). |
Tiếp > |
---|